Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Du khách đến du lịch Gia Lai trong chuyến hành trình khám phá thiên nhiên hoang dã, du khách ắt hẳn không thể bỏ qua điểm đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với các du khách mong muốn tìm một nơi nghỉ dưỡng với cảnh quan tự nhiên phong phú đa dạng cũng như các nhà nghiên cứu khoa học.
Đỉnh núi Kon Ka Kinh cao 1.748 mét
Tên gọi Kon Ka Kinh còn được hiểu là “đỉnh núi cao nhất” với 1.748m so với mực nước biển, được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.
Vườn được quy hoạch theo ba chức năng là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 17.137,5 ha, phân khu phục hồi sinh thái 23.990 ha, phân khu dịch vụ hành chính 929,8 ha.
Vị trí của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50km về phía Đông Bắc, phân bố trên phạm vi ranh giới hành chính của 5 xã: Đắk Roong, Kroong, Kron Pne, huyện K’Bang. Xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa và xã Ayun, huyện Mang Yang.
Kon Ka Kinh là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku với độ cao 1.748 m so với mặt nước biển.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều dãy núi có độ cao trung bình 1.200 – 1.500m, với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam.
Ngoài ra, Kon Ka Kinh còn nằm trong vùng phân thủy của hai con sông lớn là Sông Ba và sông Đắk Pne. Do địa hình núi cao, dốc nên hệ thống sông suối bắt nguồn từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thường ngắn, hẹp, tốc độ dòng chảy lớn, có nhiều thác ghềnh.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đa dạng sinh thái
Rừng nhiệt đới
Với vị trí địa hình nói trên, hệ động thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất phong phú.
Kon Ka Kinh gồm các kiểu rừng: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; rừng kín hỗn giao lá rộng – lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp – Là kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam; rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, kiểu phụ thứ sinh nhân tác (rừng kín lá rộng thường xanh nghèo kiệt, rừng kín thường xanh phục hồi, rừng le, nứa, rừng trồng, đất trống, trảng cỏ…)
Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng, hệ thực vật được ghi nhận ở nơi đây là 1.022 loài, thuộc 568 chi và 158 hệ thực vật bậc cao. Trong đó ngành hạt kín chiếm ưu thế với 928 loài, khuyết thực vật 80 loài, ngành hạt trần 14 loài.
Những loài cây dây leo dài, chằng chịt trong rừng là những nhịp cầu nối tự nhiên giữa các tầng tán rừng để các loài động vật nhỏ di chuyển, sinh sống, là điều kiện thuận lợi tạo nên sự đa dạng sinh học cho khu rừng.
Động thực vật quý hiếm
Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu và một số yếu tố khác hình thành nên rừng, nên Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có một hệ thực vật rừng rất phong phú.
Nơi đây là điểm hội tụ các luồng thực vật như luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam: bao gồm các loài cây thuộc họ đậu, dâu tằm, na, giẻ, thầu dầu và mộc lan…
Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam – Quý Châu và chân dãy núi Himalaya bao gồm các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao, pơmu….
Luồng thực vật thuộc khu hệ Malaysia – Indonesia bao gồm các loài cây thuộc họ dầu như chò chai, chò đen, chò chỉ, cẩm. Luồng thực vật Ấn Độ – Myanmar bao gồm một số loài cây thuộc họ bàng như bằng lăng ổi…
Bên cạnh một hệ thực vật rừng phong phú, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn có một hệ động vật rừng đặc hữu với 351 loài, trong đó có 47 loài quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ như Vượn má hung, Voọc vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn.
Ngoài ra, Kon Ka Kinh còn nằm trong vùng chim đặc hữu cao nguyên Kon Tum với 160 loài chim, 51 loài bò sát, 209 loài bướm, trong đó có 7 loài chim đặc hữu như khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và khướu Kon Ka Kinh (còn gọi là khướu tai hung).
Bên cạnh đó, còn có một số loài đặc hữu như du moóc, hoa khế, bọ nẹt trung bộ, hoàng thảo vạch đỏ, trắc, thông đà lạt, xoay, gõ đỏ, lọng hiệp, song bột và một số loài quý hiếm khác được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Đặc biệt ở Kon Ka Kinh có 8 loài trong lớp thú ghi trong sách Đỏ của IUCN bao gồm 2 loài đang bị đe doạ ở cấp E (Endangered), 4 loài bị đe doạ ở cấp V (Vulnerable), 1 loài gần bị đe doạ Nr (Near-Threatened) và 1 loài ở cấp DD (Data Deficien).
Có 7 loài trong lớp thú ghi trong sách Đỏ Việt Nam, trong đó có 3 loài đang bị đe dọa ở cấp E, 4 loài ở cấp V và có 4 loài thú đặc hữu cho Đông Dương là vượn má hung, voọc vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn.
8 loài bướm mới cho khoa học và 6 loài lần đầu tiên được ghi nhận cho khu hệ bướm Việt Nam.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh - Điểm du lịch hấp dẫn
Không chỉ đa dạng về hệ động thực vật rừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn hấp dẫn giới nghiên cứu, khách du lịch bởi hệ thống sông, suối, thác…
Điển hình là những ngọn thác như: Đak Pooc, Đak Kơ Bưng… Đặc biệt, với độ cao 1.748m, đỉnh Kon Ka Kinh – đỉnh cao nhất Gia Lai, quanh năm mây mù vừa mời gọi vừa thách thức sự khám phá của con người.
Thác 95 nổi tiếng và đẹp nhất – có độ cao khoảng 40m. Nhìn từ xa Thác 95 giống như một dải lụa trắng lượn lờ theo những giai điệu của đại ngàn trên nền rừng xanh thẳm.
Vào mùa hè, dòng nước mát lành của các thác nước làm không khí lúc nào cũng mát mẻ. Leo lên đỉnh Kon Ka Kinh nhìn xung quanh, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn.
Những ngọn núi cao bao phủ bởi mây mù, những dòng thác từ trên cao ào ào tung bọt trắng xóa, vọng lại tiếng gầm của thú rừng hoang dã xen lẫn tiếng hót gọi bạn, tìm nhau của loài chim…
Khám phá văn hóa bản địa đặc sắc
Đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, du khách còn có những giờ phút thảnh thơi, nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên gắn với dãy Trường Sơn.
Chuyến đi không thể thiếu tiết mục vào thăm các làng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên để được tận mắt trông thấy những sinh hoạt văn hóa đặc sắc vốn có tự ngàn xưa ở Tây Nguyên.
Những lễ hội đậm bản sắc văn hóa như lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả, tục cưới hỏi, thưởng thức những giai điệu trầm hùng, thanh thoát vang vọng khắp đại ngàn của cồng chiêng.
Tổng hợp và biên tập: Đi Gia Lai.
Vị trí Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trên Google map
Nguồn tham khảo:
- Chinh phục đỉnh núi Kon Ka Kinh (TTXVN)
- Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Thế giới di sản)
- Nóc nhà của Gia Lai (VNplus)
0 Comments